Khái yếu Chế định trách nhiệm dân sự (Luật Hồng Đức)

Bài chi tiết: Luật Hồng Đức

Luật Hồng Đức là một trong những bộ luật phong kiến tiến bộ nhất và đặc sắc nhất trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Bộ luật đánh dấu thời kỳ hoàng kim nhất, rực rỡ nhất của chế độ phong kiến Việt Nam dưới triều đại Lê sơ, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông. Luật Hồng Đức được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao về tư tưởng và trình độ lập pháp, vượt xa so với khuôn mẫu tư duy của thời đại phong kiến và để lại những dấu ấn sâu đậm cho đến tận ngày nay,[1] và một trong những nội dung đó là trách nhiệm dân sự.

Chế định trách nhiệm dân sự là nét đặc sắc, độc đáo đáng quan tâm trong Luật Hồng Đức. Mặc dù về tính chất, đây là bộ luật hình sự (Quốc triều hình luật), nhưng Luật Hồng Đức chứa đựng trong đó những yếu tố khá tiến bộ trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự, quy định, dự liệu phong phú các trường hợp về tổn thất, thiệt hại trong thực tế cả về vật chất lẫn tinh thần từ đó xác định trách nhiệm hình sự và dân sự.

Chế định trách nhiệm dân sự trong Luật Hồng Đức đưa tầm vóc của bộ luật lên tầm cao hơn so với tư duy lập pháp phong kiến. Sự dự liệu sinh động, đầy tính thực tiễn của nó vẫn còn dư âm mạnh mẽ cho đến ngày nay, có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự hiện đại.[2]

Trong Luật Hồng Đức không có quy định riêng hoặc gọi đích danh về chế định này, tuy nhiên qua đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, qua phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý, có thể phân chia những nội dung về trách nhiệm dân sự như sau:[3][4] Tổn thất trên thực tế; Lỗi; Trường hợp đặc biệt phát sinh trách nhiệm; Nguyên tắc bồi thường; Phương thức bồi thường thiệt hại; Các trường hợp giảm nhẹ và miễn trách nhiệm.